Bài viết

Mạch học đông y: chuẩn hóa từ kỹ thuật bắt mạch thốn khẩu

1. ĐẶT VẤN ĐỀ:

 

 Chẩn đoán học Đông y là phương pháp chẩn đoán cổ xưa, thuần túy dựa trên lâm sàng. Chẩn đoán mạch học Đông y là kỹ thuật đỉnh cao giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát và các rối loạn của tạng phủ bên trong cơ thể. Do lý luận trừu tượng nên cần phải có sự chuẩn hóa về kỹ thuật bắt mạch theo Đông y để có thể dễ dàng đồng nhất thông tin lâm sàng.

 

Đông y với tính chất tôn trọng sự toàn vẹn của cơ thể, cho nên chú trọng điều trị bảo tồn mà ít can thiệp xâm lấn vào trong cơ thể con người. Do đó, chẩn đoán Đông y thuần túy lâm sàng và khai thác triệu chứng bằng kỹ thuật Tứ chẩn với bốn phương pháp: Vọng (Nhìn), Văn (Nghe, ngửi), Vấn (Hỏi) và Thiết (Sờ nắn, kinh lạc chẩn, bắt mạch). Với tất cả các phương tiện chẩn đoán trên, gần như thầy thuốc Đông y phải sử dụng trí giác với tư duy lô-gic và khoa học duy vật biện chứng phương Đông mang tính trừu tượng cao để có thể đoán ra bệnh. Đó là nghệ thuật chẩn đoán Đông y. Vì thế, thầy thuốc Đông y rất cần biết thông tin đang diễn ra bên trong cơ thể bệnh nhân hoặc với sức khỏe của bất kỳ một người khỏe mạnh để có thể thấy được và hình dung ra sự trùng khớp giữa những gì hiển hiện ra bên ngoài cơ thể, có thể cảm nhận được qua chính những ghì bệnh nhân khai, và qua chính những gì thầy thuốc nhìn thấy, sờ thấy và nghe ngửi thấy. Và người thầy thuốc Đông y đã tìm kiếm ra mạch chẩn để có thể thăm dò được tính chất hoạt động bên trong của cơ thể đang diễn ra như thế nào. Qua thời gian lâm sàng nhiều ngàn năm, Đông y đã đúc kết mạch chẩn được thành Tam bộ Cửu hậu để thăm dò được hết các vị trí mạch tượng biểu hiện toàn thân. Trong đó, mạch thốn khẩu được chú ý đúc kết có hệ thống và cho thông tin chẩn đoán phong phú, chính xác cho tình trạng khí huyết và từng tạng phủ bên trong cơ thể.

 

Vậy mạch thốn khẩu được quy nạp và sử dụng cho đến ngày nay như thế nào? Tại sao vẫn còn có nhiều thông tin lẫn lộn và thực hành khác biệt giữa nhiều thầy thuốc. Chúng ta cần làm rõ nhiều thông tin hơn để ứng dụng mạch chẩn Đông y được chính xác, toàn diện và thống nhất.

 

2. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU:

 

Phân tích các kỹ thuật trong phương pháp chẩn đoán mạch thốn khẩu theo Đông y.

 

3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP:

 

3.1. Đối tượng:

 

Đề tài này nghiên cứu khái niệm và phân tích các thành phần kỹ thuật trong chẩn đoán mạch thốn khẩu theo Đông y.

 

3.2. Phương pháp:

 

          Nghiên cứu mô tả kỹ thuật và từ đó phân tích kỹ thuật tập trung vào phần chẩn đoán mạch thốn khẩu qua các tài liệu sách, giáo trình chuyên ngành Đông y.

 

4. KẾT QUẢ:

 

4.1. Khái niệm mạch học theo Đông y và Tây y:

 

          Mạch theo Đông y là một khái niệm thiên về chức năng hơn là hình thể. Theo nguồn gốc tự Hán văn, mạch được viết là (Gồm bộ_ nguyệt được viết giản lược từ bộ _ nhục hoặc bộ _ huyết ghép với chữ_ phái); hoặc viết là (Gồm bộ _ nguyệt được viết giản lược từ bộ _ nhục hoặc bộ _ huyết ghép với chữ _ Vĩnh. Cả hai chữ mạch đều được phiên âm đọc là: mài. Như vậy mạch Đông y là chỉ cho nhánh khí huyết với sự lưu thông lâu dài tồn tại theo sự sống của mỗi người. Thầy thuốc Đông y căn cứ theo tính chất hoạt động của mạch và cảm nhận trực tiếp hình ảnh xúc giác của các ngón tay thầy thuốc trên mạch tượng của bệnh nhân để chẩn đoán.

 

          So sánh với khái niệm mạch theo Tây y, mạch là cấu trúc cụ thể dạng ống mạch máu, gồm có 3 hệ thống động mạch, tĩnh mạch và mạch bạch huyết dẫn truyền các thành phần của máu lưu thông trong đó để thực hiện nhiều chức năng. Hoạt động mạch là làn sóng áp huyết chuyển ra từ nhịp đập của tim lan truyền theo động mạch và tạo ra nhịp mạch. Đếm nhịp mạch và đo huyết áp là hai việc cơ bản nhất của người thầy thuốc Tây y thực hiện trên lâm sàng. Các thông tin khác liên quan về hoạt động sinh lý và bệnh lý của mạch và các thành phần liên quan phải thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng và chụp chiếu hình ảnh chẩn đoán mới cho thông tin đầy đủ.

 

4.2. Mục đích bắt mạch: Là để biết được tình trạng thực hư thịnh suy của Âm dương Khí huyết về mặt tổng quát và của riêng từng tạng phủ trong cơ thể con người, qua đó nắm bắt được vị trí biểu lý nông sâu và tính chất hàn nhiệt của bệnh tật.

 

4.3. Vị trí, nơi xem mạch

 

Tại vị trí động mạch quay ở cổ tay, tương ứng tại vị trí thốn khẩu, động mạch đùi, động mạch chày sau, động mạch mu chân, động mạch thái dương nông. Trong đó, từ xưa cho đến ngày nay, các thầy thuốc Đông y vẫn hay dùng nhất là bắt mạch tại vị trí động mạch quay.

 

          Tại thốn khẩu nơi động mạch quay đi qua, là vị trí xác định để bắt mạch, được chia thành 3 bộ là bộ thốn, bộ quan và bộ xích. Cách lấy vị trí bộ quan tương ứng với vị trí giải phẫu mỏm trâm trụ kéo ngang qua, tiếp đó vị trí bộ thốn ở dưới và bộ xích ở trên bộ quan tính theo thứ tự từ khủy tay đến cổ tay. Tay phải thuộc Dương khí và tay trái thuộc Âm huyết.

 

Bảng 1: Diễn giải các vị trí bắt mạch tạng phủ tương quan các bộ mạch:

 

Bộ

Tay trái (Âm huyết)

Tay phải (Dương khí)

Thốn

Tâm – Tiểu trường

Phế - Đại trường

Quan

Can – Đởm

Tỳ - Vị

Xích

Thận âm – Bàng quang

Thận dương – Tam tiêu

 

                  

 

4.4. Cách bắt mạch: 

 

- Chuẩn bị: Nên bắt mạch bệnh nhân vào buổi sáng, lúc chưa ăn gì là tốt nhất. Tuy nhiên, thầy thuốc có thể bắt mạch của bệnh nhân ở bất kỳ thời điểm nào cũng đều đánh giá được thông tin mạch đúng thời điểm hiện tại, đồng thời kết hợp lý luận về âm dương khí huyết để đánh giá được tình hình sức khỏe chung của cơ thể. Trước khi bắt mạch nên thực hiện:

 

          + Cho người bệnh nghỉ ngơi 15’ trước khi xem mạch, có thể nằm hoặc ngồi nghỉ.

 

          + Thầy thuốc cần rửa tay sạch, lau khô hoặc làm ấm bàn tay trước khi xem mạch, tác phong đàng hoàng, nghiêm túc.

 

- Tư thế:

 

+ Người bệnh để bàn tay ngửa trên bàn ngang mặt tim và tâm thế thoải mái nhất.

 

+ Người thầy thuốc ngồi đối diện bệnh nhân. Tư thế thoải mái nhưng phải nghiêm túc, đúng tác phong.

 

- Phương pháp bắt mạch & cách tiến hành:

 

+ Thầy thuốc dùng 3 ngón tay: ngón trỏ, ngón giữa và ngón nhẫn đặt vào vị trí mạch tại thốn khẩu (Tại vị trí đường đi của động mạch quay). Ngón giữa của thầy thuốc tương ứng với bộ quan, ngón trỏ tương ứng bộ thốn, ngón nhẫn tương ứng với bộ xích. Tùy theo hình dáng người bệnh cao hay thấp, nhỏ hay lớn mà tay thầy thuốc đặt thưa hay khít lại. Theo tài liệu yêu cầu tay phải của người thầy thuốc xem tay trái của người bệnh và ngược lại tay trái thầy thuốc xem tay phải người bệnh. Tuy nhiên điều này không thật sự quan trọng, ý nghĩa của việc xem mạch là so sánh thông tin trên chính người bệnh nhân với sự bình thường chung chứ không hẳn luôn là so với người thầy thuốc, do đó dù sao thầy thuốc lấy thông tin mạch từ hai tay bệnh nhân để so sánh với nhau là được. Khi đó, chính sự thuận tay và phân tích từ cùng một cảm giác có thể đã cho sự so sánh chính xác hơn.

 

+ 3 mức độ ấn mạch: Thượng án hay Khinh án là ấn nhẹ mà thấy mạch đập, dạng mạch tiêu biểu là mạch Phù. Trung án là ấn ngòn tay với lực vừa phải mà thấy mạch đập, dạng mạch tiêu biểu là mạch Hòa. Hạ án hay Trọng án là ấn ngón tay lực mạnh hơn đè xuống sâu gần sát xương mới thấy mạch đập, dạng mạch tiêu biểu là mạch Trầm.

 

+ 2 cách bắt mạch (Tổng khán và Đơn khán): Bắt chung cả 3 bộ vị thốn quan xích cùng lúc được gọi là tổng khan, cách này để nhận định tình hình chung, đây là cách thông thường hay được thầy thuốc sử dụng nhất và lúc đầu tiên khi xem vào mạch. Bắt từng bộ vị mạch được gọi là đơn khán hay vi khán, cách xem này để đánh giá tình hình chi tiết từng tạng phủ. Trong khám bệnh, thầy thuốc thường kết hợp cả hai cách xem, trước là tổng khán sau là đơn khán.

 

+ Mạch ở nam nữ đi ưu tiên có khác nhau nên chú ý “Nam tả nữ hữu”. Mạch ở nam  mạnh ở phần Dương khí (Bên tay phải _ hữu) nên phải lưu ý xem phần Âm huyết (Bên tay trái _ tả). Ngược lại, mạch ở nữ mạnh ở phần Âm huyết nên phải lưu ý xem trọng phần Dương khí. Có như vậy cả hai bên tay đều chú ý nhưng bẩm tố nam nữ Âm Dương khác nhau cần phải biết xem mạch sao cho đảm bảo cân bằng theo nhưng cũng chú ý đúng bản chất. Điều này cần nhấn mạnh để khi xem mạch thầy thuốc không được chủ quan chỉ bắt một bên mạch bên tay trái của nam hay bên tay phải của nữ.

 

4.5. Các dạng mạch

 

4.5.1. Mạch bình thường:

 

Mạch đi bình thường ở người khỏe mạnh là mạch đập ở cả 3 bộ vị, mạch đi không phù không trầm, mạch đi hòa hoãn, điều hòa và có lực. Đếm theo nhịp mạch thì trung bình người lớn 70 – 80 lần / phút, trẻ em nhịp mạch theo tháng tuổi, thường 120 – 140 lần/ phút, 6 tuổi 90 – 110 lần/ phút. Thể tạng, giới, tuổi, tinh thần của con người cũng có liên quan đến dạng mạch:

 

+ Thanh niên mạch đập hữu lực, người già và người yếu mạch đập yếu hơn, mạch phụ nữ yếu hơn mạch nam giới. người cao mạch dài hơn người thấp lùn, người gầy mạch hơi phù, người béo mạch hơi trầm.

 

+ Thời tiết khí hậu cũng có tác động đếm dạng mạch: mùa xuân mạch đi hơi huyền; mùa hạ mạch hơi hồng; mùa thu mạch hơi phù; mùa đông mạch hơi trầm.

 

- Người xưa nói mạch bình thường là mạch có vị khí, có thần và có gốc:

 

+ “Vị khí là gốc của con người”, nên mạch có vị khí là mạch hòa hoãn, điều hòa, là mach thuận (mạch sinh lý), không có vị khí là mạch nghịch (mạch bệnh lý), dấu hiệu này dung để đánh giá tình trạng và tiên lượng bệnh.

 

+ Mạch có thần là mạch đi có lực thật sự.

 

+ Mạch có gốc: Thận khí là gốc của sinh mạng con người, mạch xích là nơi gốc của mạch, nên mạch xích là nơi biểu hiện của thận khí gốc của con người, vậy mạch bình thường là mạch xích đi hữu lực. Nên khi có bệnh mà hai mạch quan thốn tuy mất, nhưng mạch xích vẫn còn thì tiên lượng bệnh còn có thể cứu chữa chứ chưa quá nguy hiểm.

 

4.5.2. Mạch khi có bệnh:

 

          Khi có bệnh thì mạch có thể thay đổi về vị trí nông sâu, về tốc độ nhanh chậm, về cường độ có lực hay không có lực, có quy luật hay không có quy luận (nhịp mạch đều hay không), có dạng mạch kết hợp nhiều tính chất mạch ở  trên gọi là kiêm mạch.  Các sách ghi 28 loại mạch

 

5. KẾT LUẬN:

 

Bắt mạch thốn khẩu là kỹ thuật khoa học có thứ tự, cung cấp thông tin sức khỏe của khí huyết tạng phủ bên trong cơ thể một cách đầy đủ và rõ ràng. Ứng dụng mạch chẩn theo Đông y là nghệ thuật chẩn đoán đỉnh cao để nắm bắt sự thật của sức khỏe và bệnh tật bên trong cơ thể con người. Do đó cần chú ý kỹ thuật chuẩn để thông tin mạch được chính xác nhất.

 

6. KIẾN NGHỊ:

 

           Chẩn đoán mạch thốn khẩu theo Đông y là công cụ chẩn đoán chuẩn, cần được đánh giá kiểm tra để thực hiện đầy đủ và chính xác theo kỹ thuật chuẩn nhất trên lâm sàng các thầy thuốc Đông y.

 

Lời cảm ơn:

 

          Trên đây là những kiến thức tổng hợp và chắt lọc từ kinh nghiệm thực hành lâm sàng của tác giả. Sự phân tích bước đầu chắc chắn còn nhiều điều non kém và thiếu sót, rất mong nhận được nhiều điều hay ý đẹp từ các đồng nghiệp cao minh phủ chính cho kiến thức và bài viết tiếp tục được hoàn thiện.

 

ThS.BS.Lê Minh Luật